Đôi nét về VQG U Minh Thượng

Vườn Quốc gia U Minh Thượng được bao bọc bởi hệ thống đê bao khép kín có chiều dài 60 km, với khoảng 21.122 ha thuộc diện tích tại các xã như An Minh, Minh Thuận Bắc (huyện U Minh Thượng), bao gồm 8.053 ha vùng lõi (trong đó 7.838 ha là khu bảo vệ nghiêm ngặt, 200 ha là khu vực kết hợp phục hồi sinh thái và bảo tồn di tích lịch sử, 15 ha là phân khu hành chính) và 13.069 ha vùng đệm.

Đặc biệt, trong hệ sinh thái rừng úng phèn của đồng bằng sông Cửu Long, duy nhất hệ thực vật rừng của vùng lõi Vườn Quốc gia U Minh Thượng có những đặc điểm của rừng cực đỉnh nguyên sinh. Đó là các ưu hợp rừng tràm hỗn giao và rừng tràm trên đất than bùn, với diện tích gần 3.000 ha.

Vườn Quốc gia U Minh Thượng là Khu dự trữ sinh quyển thứ 5 ở Việt Nam được UNESCO công nhận cho đến hiện tại, bên cạnh đó, còn là Khu dự trữ lớn thứ hai trong tổng số 8 Khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam.

U Minh Thượng sở hữu đa dạng sinh học nhất về các loài thực vật ở đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh sự phát triển của cây tràm, còn có hơn 254 loài thuộc 84 họ, với nhiều loài đặc hữu như phong lan đất, bèo nhọn, cây dương xỉ… Hệ động vật phong phú với 32 loài thuộc 10 họ, 7 chi; 188 loài chim thuộc 39 họ và 12 chi chiếm 16,6% so với 828 loài được ghi nhận ở Việt Nam; 54 loài bò sát lưỡng cư; 34 loài cá

Tại U Minh Thượng có 72 loài động, thực vật quý, hiếm được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam 2007 và Danh lục Sách đỏ Thế giới (IUCN) 2012. Đặc biệt các nhà khoa học phát hiện được loài Rái cá lông mũi (Lutra sumatrana) là loài hiếm ghi trong Sách Đỏ động vật Việt Nam và Sách Đỏ thế giới (IUCN). 

Đặc biệt ở loài Tê tê Java (Manis javanica) tại rừng U Minh Thượng có cách tìm kiếm thức ăn và thưởng thức bữa ăn độc nhất trên toàn thế giới.

Năm 2012, Vườn Quốc gia U Minh Thượng đã được công nhận là Công viên di sản ASEAN đầu tiên trên vùng đất than bùn của khu vực Đông Nam Á và là Vườn Quốc gia thứ 5 của Việt Nam được công nhận là Vườn Di sản ASEAN.

Năm 2015, Vườn Quốc gia U Minh Thượng được công nhận là khu Ramsar thứ 2.228 của thế giới và thứ 8 của Việt Nam.

Explore Vietnam
Explore Vietnam
Explore Vietnam
Explore Vietnam
Explore Vietnam
Explore Vietnam
Explore Vietnam
Explore Vietnam

U Minh Thượng là nơi sinh sống hòa hợp của ba dân tộc anh em là Kinh, Hoa, Khmer, trong đó người Kinh chiếm đa số. Do đặc thù về đất, nước, khí hậu, sinh thái tự nhiên của vùng đã từ lâu hình thành nên những nét rất đặc trưng trong đời sống văn hóa và sản xuất… 

  • Khám phá rừng tràm hoang sơ, hệ sinh thái đầm lầy đất ngập nước kết hợp quan sát động vật hoang dã ban đêm: Hoạt động khám phá rừng tràm giúp du khách tìm hiểu về nguồn gốc và sự sống của cây tràm tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng, tìm hiểu sự phục hồi đa dạng sinh học bằng tái sinh tự nhiên.
  • Khám phá các sinh cảnh đầm lầy, tham quan nơi phân bố, kiếm ăn của nhiều loài chim nước trong mùa mưa và nhất là vào mùa khô.
  • Kết hợp du lịch với nghiên cứu khoa học về hệ sinh thái rừng tràm úng phèn trên đất than bùn, nơi duy nhất ở Việt Nam có hệ sinh thái này.
  • Tìm hiểu văn hóa bản địa, cùng làm, cùng sống với người dân: canh tác lúa nước, đánh bắt cá truyền thống, gác kèo ong, làm bánh truyền thống, làm các đồ dùng sinh hoạt truyền thống…. Vào mùa ăn ong từ tháng 12 đến tháng 6, đến tham quan rừng U Minh bạn sẽ có dịp theo chân những người thợ gác kèo vào rừng lấy mật, vừa là trải nghiệm lý thú vừa được thưởng thức món ong non vừa cắt xuống. Mật ong rừng tràm U Minh vốn nổi tiếng ngon, bổ, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
  • Trải nghiệm đi trên những cây cầu khỉ, ghép bằng gỗ tạp tiến về đài quan sát cao khoảng 30 mét. Từ trên cao, phóng tầm mắt ra bốn phía, hít căng lồng ngực không khí trong lành, tận hưởng cái bao la, sảng khoái của thiên nhiên, đất trời.
  • Từ Trảng Chim, di chuyển sang Máng Dơi, nơi sinh sống của hàng ngàn con dơi ngựa – loại dơi quý hiếm có tên trong sách đỏ. Tên gọi Máng dơi là do tập tính của loài động vật này thường treo mình trên những tán cây, nên người dân ví như khi đi làm đồng về thường máng cái nón hay cái gàu lên vách nhà, lâu dần thành quen người ta gọi nơi này là Máng Dơi. Khu vực Máng dơi có diện tích khoảng 15 ha, đây là nơi sinh sống của nhiều loài dơi, theo khảo sát số lượng đông nhất là dơi quạ, trong đó quý nhất là loài dơi ngựa Thái Lan.
  • Hồ Hoa Mai: một đầm lầy được tuôn ra dưới dạng một bông hoa với năm cánh hoa, bề mặt của nó được bao phủ bởi dương xỉ xinh đẹp như tấm thảm trải dài, và nó cũng là trung tâm du lịch của Vườn quốc gia U Minh Thượng.

Từ thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) theo quốc lộ 61, tới ngã ba Minh Lương thì rẽ phải về Tắc Cậu rồi rẽ qua quốc lộ 63. Vườn quốc gia cách thành phố Rạch Giá khoảng 50 km, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 364 km về phía Tây Nam.

Tại Vườn Quốc gia, du khách di chuyển chủ yếu là xe máy và đi bộ, hoặc có thể xuống thuyền vỏ lãi, lướt nhẹ trên mặt nước đậm màu sóng sánh, len qua thảm bèo dày đặc, đi giữa ngút ngàn lau sậy bung cờ trắng xóa, tiến vào vùng xanh thăm thẳm của rừng tràm U Minh.

 

Vùng rừng U Minh Thượng tên là “Thập Câu” vì có 10 con rạch lớn xếp hàng chảy ra vịnh Thái Lan. Những năm tháng khai hoang, mở đất, chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt đã hun đúc nên tính cách người U Minh Thượng: cần cù chịu khó, nghĩa khí can trường, sống hào phóng như thiên nhiên vùng đất cực nam Tổ quốc. Đây cũng là nơi nhà văn Đoàn Giỏi đi thực tế để viết tác phẩm nổi tiếng Đất rừng Phương Nam.

U Minh Thượng gợi lên cảm giác quay về với cội nguồn, với vẻ đẹp hùng vĩ hoang sơ. Mang cả một bề dày lịch sử, U Minh Thượng còn cuốn hút rất nhiều du khách đến tham quan và cả hoài niệm về những giai đoạn lịch sử của dân tộc. Nếu bạn là người thích trải nghiệm giữa chốn rừng thiêng, ngắm nhìn muôn thú và các loài thực vật, thì vườn quốc gia U Minh Thượng là lựa chọn lý tưởng.

Explore the City:

The City Maps

Trip Ideas