Đôi nét về VQG Cúc Phương

Vườn Quốc gia Cúc Phương là vườn quốc gia có lịch sử lâu đời nhất tại Việt Nam, được thành lập vào năm 1962. Và nhờ vào việc thành lập từ sớm mà vườn quốc gia đã bảo tồn được gần như nguyên vẹn hệ sinh thái núi rừng tự nhiên, bảo vệ các loài động thực vật khỏi những tác động tiêu cực của con người. 

Cách thủ đô Hà Nội 120km về phía Nam, lọt sâu trong lòng dãy núi Tam Điệp, với diện tích vỏn vẹn 22.408 ha nhưng Vườn Quốc gia Cúc Phương lại thuộc địa phận 3 tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa.

Rừng nguyên sinh Cúc Phương ôm chứa hệ giá trị khảo cổ học, cổ sinh học và địa chất, địa mạo phong phú.

Thảm thực vật nơi đây chủ yếu là rừng mưa nhiệt đới xanh quanh năm trải qua hàng ngàn năm phát triển tạo nên một mái nhà tự nhiên với hơn 2.234 loài thực vật bậc cao và rêu; gần 2.000 loài côn trùng, 336 loài chim, 135 loài thú, 122 loài bò sát và lưỡng cư, 66 loài cá. Chính sự đa dạng sinh học đã giúp Cúc Phương được vinh danh là Vườn Quốc gia hàng đầu Châu Á. Trong đó nổi bật nhất là loài Voọc mông trắng – thú linh trưởng quý hiếm và đang bị đe dọa cực kỳ nghiêm trọng, đây cũng chính là biểu tượng của Vườn Quốc gia Cúc Phương.

Explore Vietnam
Explore Vietnam
Explore Vietnam
Explore Vietnam
Explore Vietnam
Explore Vietnam
Explore Vietnam
Explore Vietnam
  • Những cây cổ thụ ngàn năm tại rừng già nguyên thủy của Cúc Phương: con người sẽ cảm thấy sững sờ, nhỏ bé khi lọt vào thế giới hoang sơ đậm màu xanh kỳ vĩ trường tồn.
  • Bộ sưu tập Lan với hơn 140 loài
  • Bảo tàng Cúc Phương
  • Trung tâm Cứu hộ và Bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm Việt Nam với gần 200 cá thể linh trưởng thuộc loài và phân loài quý hiếm.
  • Trung tâm Bảo tồn thú ăn thịt và tê tê chuyên cứu hộ và phục hồi các cá thể như cầy vòi hương, cầy vằn, cầy tai trắng, cầy mực, cầy vòi mốc, mèo rừng, cầy hương, chồn bạc má Nam, chồn bạc má bắc, tê tê Java, tê tê vàng.
  • Trung tâm Bảo tồn rùa hiện nay đang chăm sóc 1.700 cá thể rùa, trong đó có 22 loài bản địa và quý hiếm như rùa sa nhân, rùa đầu to, rùa Trung Bộ…
  • Động Người Xưa: hay còn có tên là hang Đắng, là nơi lưu giữ những dấu tích cư trú và mộ táng của người tiền sử, là một di sản quý của Vườn Quốc gia Cúc Phương.
  • Hang Con Moong: bên ngoài cửa hang có một khối đá lớn nhô ra trông giống hình con thú nên được đặt tên là hang Con Moong (hang con thú theo tiếng Mường). Đây cũng là nơi cư trú của người tối cổ, đồng thời cũng là di chỉ khảo cổ quan trọng được xếp hạng di tích quốc gia.
  • Động Trăng Khuyết: nhìn từ xa cửa động có hình trăng khuyết.
  • Đỉnh Mây Bạc: có độ cao 648m, đỉnh núi cao nhất Ninh Bình, tựa như một đài quan sát tự nhiên, từ đỉnh có thể ngắm nhìn bao quát toàn cảnh khu Vườn Quốc gia cùng với cố đô Hoa Lư và chùa Bái Đính. Tuy nhiên, đường lên có nhiều dốc đá khá khó đi và chỉ phù hợp với những người có sức khỏe tốt.
  • Hồ Yên Quang – động Phò Mã: động Phò Mã là công trình kiến trúc ảo diệu của thiên nhiên tạo hóa với vô số nhũ đá có hình thù thú vị.
  • Du lịch cộng đồng (Bản Mường): cộng đồng dân tộc Mường với nhiều nét văn hóa đặc trưng độc đáo như nhà sàn, ruộng bậc thang, khung dệt thổ cẩm…
  • Mùa bướm nở rộ vào tháng 5: rừng già như trẻ lại, tưng bừng lấp lánh ánh vàng.
  • Hoạt động đi bộ trong rừng nguyên sinh: Cúc Phương xây dựng nhiều tuyến đường đi bộ trong rừng, với nội dung và thời gian khác nhau như tuyến đi bộ dài ngày lên khu bảo tồn Ngọc Sơn, khu bảo tồn Pù Luông…
  • Hoạt động xem chim
  • Hoạt động quan sát động vật hoang dã vào ban đêm: du khách có cơ hội được nhìn thấy một số loài như sóc đen, sóc bay, hoẵng, culi và một số loài thú ăn thịt nhỏ.
  • Hoạt động đạp xe trong rừng: mang lại cho du khách những cảm giác yên tĩnh, cảm nhận thực sự về thiên nhiên, ngoài ra du khách còn có cơ hội bắt gặp những loài động vật khó gặp ở Cúc Phương.
  • Hoạt động quan sát các loài bò sát, lưỡng cư và côn trùng
  • Hoạt động chèo thuyền kayak
  • Để đến với Vườn Quốc gia Cúc Phương, bạn có thể chọn lựa xuất phát từ nhiều địa điểm khác nhau bằng các phương thức sau đây:
  • Thành phố Hà Nội: di chuyển theo Quốc lộ 1A đi về phía Ninh Bình, đến ngã ba Gián Khẩu (cách thành phố Ninh Bình 10km) rẽ phải theo Quốc lộ 12A, qua thị trấn Nho Quan 2km rẽ trái vào Cúc Phương hoặc trên Quốc lộ 1A, đi qua cầu Gián Khẩu, rẽ tay phải theo tuyến đường nhựa to trên đê dọc theo sông Bôi đi về chùa Bái Đính, qua Bái Đính tiếp tục đi theo tuyến đường bê tông 26km vào Cúc Phương.
  • Thành phố Ninh Bình: di chuyển theo đường qua khu di sản thế giới Tràng An đến chùa Bái Đính (15km). Từ chùa Bái Đính đi theo con đường phía sau bãi đỗ xe của khu Bái Đính đến Vườn Quốc gia Cúc Phương (26km). Hoặc đi theo Quốc lộ 1A đi về phía Hà Nội qua thành phố Ninh Bình 5km rẽ trái theo đường đi Cố Đô Hoa Lư, qua khu du lịch tâm linh Bái Đính, qua khu du lịch hồ Đồng Chương rồi vào Cúc Phương. Hoặc từ Ninh Bình đi theo Quốc lộ 1A về phía Hà Nội, đến ngã ba Gián Khẩu rẽ trái theo Quốc lộ 12A, qua thị trấn Nho Quan 2km rồi rẽ trái vào Cúc Phương.
  • Thành phố Thanh Hóa: di chuyển theo Quốc lộ 1A xuôi về phía Hà Nội, đến gần thị xã Bỉm Sơn (chừng 3-4km) rẽ trái đến ngã tư Phố Cát rẽ phải, đến ngã ba Trại Ngọc rẽ trái vào Cúc Phương hoặc đến Ninh Bình đi theo chỉ dẫn ở trên.
  • Thành phố Hồ Chí Minh: các bạn có thể lựa chọn đi máy bay hoặc xe khách đến các tỉnh thành trên rồi lựa chọn phương tiện phù hợp để đến vườn.
  • Xe khách: Bạn có thể xuất phát từ bến xe Giáp Bát đi tuyến Nho Quan, rồi từ Nho Quan đi xe buýt đến rừng Cúc Phương.

Ở Vườn Quốc gia Cúc Phương có 3 khu vực lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí để du khách có thể lựa chọn:

  • Khu cổng vườn: có đầy đủ phòng nghỉ, ngoài ra còn có dịch vụ cho thuê các thiết bị đi rừng, xe đạp leo núi.
  • Khu hồ Mạc: ở đây cho thuê nhà sàn tập thể, phòng nghỉ. Đây là khu vực thích hợp cho nhóm đi đông người, có thể đốt lửa trại, ăn uống, hát hò, giao lưu văn nghệ.
  • Khu trung tâm: gồm các nhà sàn và căn hộ riêng biệt.

Thời điểm thích hợp để đến Vườn Quốc gia Cúc Phương là vào mùa khô (từ tháng 2 đến tháng 5), lúc này thời tiết trong rừng rất mát mẻ. Đặc biệt vào tháng 5 là thời điểm bướm ở Cúc Phương nở rộ nhất. Với số lượng cá thể lên tới hàng triệu con cùng đua nhau khoe sắc ngợp trời khiến cho nơi đây tuyệt đẹp như chốn thần tiên.

Nếu bạn ghé thăm Vườn vào các thời gian khác trong năm:

  • Từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau: thời điểm mùa đông, đường đi lại khó khăn, điều kiện thời tiết ở Vườn Quốc gia Cúc Phương khá phức tạp, không thích hợp đi vào rừng.
  • Từ tháng 6 đến tháng 8: bạn có thể tìm đến Cúc Phương như là một địa điểm tránh nắng vào mùa hè.
  • Từ tháng 8 đến tháng 10: khi sang thu, những chuyến đi trải nghiệm, cắm trại sẽ rất được yêu thích.

Bước đi trên những con đường quanh co, dưới tán những cây chò, cây sấu ngàn năm tuổi, ngắm nhìn muôn sắc màu của nhiều loài hoa để cảm nhận rõ nét sự hùng vĩ nhưng vẫn ban sơ. Thảng hoặc đâu đó tiếng chim hót vang khu rừng, như chào đón người lữ khách đến với ngôi nhà thân yêu của muôn loài.

Trong không gian yên tĩnh, tâm hồn du khách trở nên trong sáng, thanh tao, thánh thiện hơn, con người với thiên nhiên được hòa quyện trong vòng tay lớn, từ đó thêm yêu, trân trọng và ý thức hơn trách nhiệm của mình với tự nhiên.

  • Giá vé tham quan Vườn Quốc gia:
  • Người lớn: 60.000 VNĐ/lượt
  • HSSV: 20.000 VNĐ/lượt
  • Trẻ em: 10.000 VNĐ/lượt
  • Giá vé tham quan các chương trình bảo tồn:
  • Người lớn: 50.000 VNĐ/chương trình
  • HSSV, trẻ em: 20.000 VNĐ/chương trình

Explore the City:

The City Maps

Trip Ideas